5
6
7

Muôn màu Faros


[Faroser] Phó TGĐ Nguyễn Tiến Dũng: Công - Tư phải rõ ràng

15/06/2016


Nghề xây dựng là thường xuyên phải sống xa nhà, nếu không có tình yêu và sự đam mê trong công việc thì khó có thể đáp ứng được nhiệm vụ và thậm chí có thể còn phải đổi nghề. Ở cương vị một phó Tổng của Faros, tôi cần phải giữ cho mình luôn “tỉnh táo” phân định rõ ràng việc công và việc tư để không ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.


* Thưa ông, được biết ông đang phụ trách thi công dự án Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, vậy đến thời điểm này dự án có gặp phải những khó khăn gì không?


Với sự đồng lòng của anh em cán bộ, công nhân và tinh thần làm việc hăng say, chúng tôi đã hoàn thành dự án Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương và bàn giao cho đơn vị vận hành vào ngày 8/4/2016. Hiện chúng tôi đang trong giai đoạn vệ sinh môi trường bãi biển quanh khu vực dự án. Đã là nghề xây dựng thì vô vàn áp lực và khó khăn. Tôi có thể ví dụ như hiện tại đang là mùa mưa, với những hạng mục ngoài trời đang chạy tiến độ quả là một khó khăn lớn. Đối với dự án Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương thì hiện tại không gặp phải khó khăn gì, lúc đầu triển khai dự án gặp khó khăn về thiếu nhân công, vì thời điểm đó đang là dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2016. Song với nỗ lực quyết tâm hoàn thành của toàn thể Ban Lãnh đạo, tập thể kỹ sư, người lao động và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, dự án đã hoàn thành đúng tiến độ đặt ra.

* Theo như ông chia sẻ thì mưa lớn có thể sẽ là “rào cản” đối với những hạng mục thi công ở ngoài trời. Vậy, dự án Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương do ông phụ trách nằm ngay cạnh biển, mùa mưa bão thì đang đến gần, ông đã chuẩn bị những phương án gì để khắc phục những bất lợi về mặt thời tiết, thưa ông?

Đối với các dự án nằm ngay cạnh biển chịu tác động trực tiếp của mưa bão, thiên tai thì ngay từ khâu thiết kế, phản biện thiết kế và duyệt thiết kế phải hết sức thận trọng. Chúng tôi luôn đặt ra tất cả các tình huống giả định để tính toán để thiết kế và đưa nguyên vật liệu phù hợp vào thi công, phải đảm bảo lựa chọn phương án tốt nhất, kiên cố nhất và bền vững nhất để đảm bảo cho tuổi thọ công trình. Với vai trò Tổng thầu xây dựng, Faros đã tuân thủ tuyệt đối các quy trình thi công, kiểm soát chất lượng chặt chẽ, tuân thủ thiết kế đã được phê duyệt để hạn chế tới mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra khi có thiên tai. Mặt khác, việc hướng dẫn tỷ mỷ, cụ thể đối với đơn vị khai thác vận hành cũng được thực hiện nghiêm túc để có những ứng phó kịp thời khi vận hành phải đối mặt với thiên tai.

* Đấy là chuyện khó khăn của nghề xây dựng, thế còn từ phía gia đình, ông có gặp phải những vấn đề “khó lường” như vậy không? Nhất là đối với nghề xây dựng thường xuyên phải xa nhà, hơn nữa lại là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất đến sự thành công của dự án?

Nghề xây dựng là thường xuyên phải sống xa nhà, nếu không có tình yêu và sự đam mê trong công việc thì khó có thể đáp ứng được nhiệm vụ và thậm chí có thể còn phải đổi nghề. Tôi có 14 năm phục vụ trong Quân đội trước khi nhận công tác về đây cho nên việc đi xa đã trở thành thói quen. Mặt khác, tôi có may mắn khi nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của các thành viên trong gia đình. Mọi thành viên trong gia đình đều biết trân trọng những khoảng thời gian hiếm hoi được sum họp. Hơn nữa, đối với gia đình, tôi là một người đàn ông trụ cột, tôi không cho phép mình được “yếu đuối” và phải biết giấu những cảm xúc cá nhân khi sống xa gia đình, người thân để tập trung cho sự nghiệp. Ở cương vị một phó Tổng của Faros, tôi cần phải giữ cho mình luôn “tỉnh táo” phân định rõ ràng việc công và việc tư để không ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. 

* Ông đã “cân bằng” giữa công việc và gia đình như thế nào? Ông có thể chia sẻ kỷ niệm đó với Hải Đăng để mọi người có thể hiểu rõ hơn về vị Phó TGĐ của mình?

Đó là thời kỳ triển khai thi công bãi khởi công dự án FLC Sầm Sơn. Ngày tôi nhận nhiệm vụ cũng là thời điểm vợ tôi đi công tác nước ngoài. Đúng lúc đó thì con trai mắc bệnh sởi. Tôi như “ngồi trên đống lửa” khi mỗi ngày báo đài đưa tin hàng chục ca trẻ tử vong vì mắc bệnh sởi. Ở trong hoàn cảnh như vậy, tâm trí tôi trở nên rối bời và suy nghĩ “ở lại làm tiếp hay về?” là câu hỏi luôn thường trực trong đầu tôi. Công việc bộn bề, tôi đã quyết định ở lại. Càng thương con trai, tôi càng cố gắng làm thật tốt công việc của mình, để hoàn thành công việc đúng tiến độ ngày nào thì được về sớm với con ngày đó. Vì tình thương con mà công việc của tôi làm đến đâu xuôi đến đó, cho đến khi hoàn tất công trình bãi khởi công và dự lễ khởi công xong, tôi tức tốc trở về. Và khi về đến nhà thì thật hạnh phúc khi con trai đã khỏi bệnh, khỏe mạnh và tươi cười ra đón tôi. Vợ tôi cũng kết thúc chuyến công tác trở về và gia đình lại quây quần kể cho nhau nghe những câu chuyện đã qua.
 
Mọi thành viên trong gia đình đều biết trân trọng
những khoảng thời gian hiếm hoi được sum họp

* Đó là về gia đình. Còn trong công việc, ông là một người như thế nào?

Với đặc thù công việc là luôn luôn thực hiện những công trình có thời gian thi công gấp, khối lượng lớn. Hơn nữa lại là người đứng đầu phụ trách dự án, ngoài việc cố gắng nỗ lực trên mức bình thường thì tôi luôn làm việc giữ vững lập trường cần có sự quyết đoán, quyết liệt mới có thể hoàn thành. Mặc dù, tôi biết rằng sự quyết đoán đó nhiều lúc không nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của những người còn lại. Nhưng tôi luôn đặt hiệu quả công việc lên trên hết. Sự quyết đoán ấy của tôi là vì sự thành công của tập thể. Vì vậy, ngoài quan hệ công việc thì trong sinh hoạt hàng ngày, tôi luôn gần gũi anh em cán bộ dưới quyền, ăn cùng bếp, ngủ cùng nhà. Thời gian rảnh, tôi luôn ngồi uống nước cùng anh em, vừa để chuyện trò vui vẻ vừa nắm bắt tâm tư nguyện vọng của anh em. Thậm chí bên lề các cuộc họp, tôi vẫn luôn động viên tinh thần cho anh em để cùng hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành dự án.

* Có thể nói không phải ông chọn nghề mà dường như “nghề đã chọn ông” - một người luôn hết lòng vì công việc. Với tâm huyết và tầm nhìn của một lãnh đạo, theo ông để làm tốt công việc theo phương châm “tiến độ đi đôi với chất lượng” thì Faros cần những gì?

Đối với một công ty xây dựng, theo tôi đầu tiên cần có đội ngũ cán bộ kỹ thuật vững tay nghề, có tâm và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Bên cạnh đó, cần có sự đào tạo thường xuyên về kỹ năng giải quyết công việc, sự định hướng về lập trường, tinh thần làm việc để từ đó xây dựng một tập thể tốt để hoàn thành tốt các nhiệm vụ cho dù nhiệm vụ đó khó khăn đến mức nào.

* Xin cảm ơn chia sẻ của ông!